ÁNH SÁNG” TỪ LỚP HỌC CỜ VUA
Sinh ra với một cơ thể lành lặn, khỏe mạnh, nhưng đến tháng thứ 2, người mẹ nhận ra điều khác biệt ở đôi mắt của đứa con trai nhỏ. Rồi từ đó, hành trình đi tìm ánh sáng cho con ngày một xa vời và cho đến khi cậu bé tìm thấy niềm vui và sự lạc quan từ cờ vua.
Khi ánh sáng rời đi….
Không đầu hàng số phận, ba mẹ của em tìm đến mọi phương pháp, kể cả sang tận Singapore để mong có một tia hy vọng dù là mong manh nhất. Nhưng mọi nỗ lực đều không thể thay đổi được: Hoàng Anh trở thành người khiếm thị. Trong khi ba mẹ khóc cạn nước mắt, người thân họ hàng đau xót, thì cậu bé Hoàng Anh vẫn vô tư chơi đùa cùng thứ ánh sáng ngày càng mờ ảo trước mắt. Hiện thực khắc nghiệt khi sắp bước vào tuổi lên 2, Hoàng Anh trở thành người khiếm thị!
Nguyễn Hoàng Anh sinh năm 2013 trong gia đình có ba anh em trai. Cậu em út có gương mặt sáng và vô cùng lanh lợi, đôi môi luôn nở nụ cười. Vượt qua rào cản của một người khiếm thị, Hoàng Anh bắt đầu tìm đến con chữ khi đến tuổi đi học. Đối với một đứa trẻ bình thường, việc làm quen với môi trường học mới đã khó khăn, thì với những bé khiếm khuyết việc thích nghi thực sự là một thử thách lớn. Ngày đầu tiên đến trường, Hoàng Anh như con chim non nép vào lòng mẹ, nhút nhát trước mọi thứ xung quanh. Nhưng khi đến với ngôi trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, Hoàng Anh thực sự bước vào thế giới của trẻ thơ khi được vô tư nô đùa cùng các bạn có cùng khiếm khuyết, được chỉ dạy những bài học vỡ lòng và làm quen với từng con chữ. Tất cả với Hoàng Anh đều rất đặc biệt. Cậu bé thay đổi từng ngày theo hướng tích cực hơn. Cậu mạnh dạn bày tỏ cảm xúc, chăm chỉ với từng bài học, bộc lộ đam mê với âm nhạc. Và một điều tưởng chừng như xa vời đối với một người khiếm thị, Hoàng Anh có niềm yêu thích đặc biệt và rất có khiếu với bộ môn thể thao: cờ vua. Cũng từ đây, hành trình cuộc sống của cậu bé khiếm thị mở ra nhiều màu sắc và hi vọng.
Niềm vui từ những quân cờ
Từ khi phát hiện năng khiếu với cờ vua của cậu con trai út, ba mẹ Hoàng Anh vừa mừng vừa lo. Vui mừng vì đứa con kém may mắn của mình có thêm niềm vui và môi trường để vui chơi giải trí, nhưng ba mẹ lại lo lắng cho sức khỏe và khả năng tiếp thu của cậu bé. Thông thường, những trẻ em khuyết tật sẽ cảm thấy tự ti và mặc cảm với mọi người, hay nói cách khác là các em luôn tránh tiếp xúc với xã hội, điều đó không chỉ xuất phát từ các em mà còn với phụ huynh khi có con em bị khiếm khuyết. Nhưng trong câu chuyện này đã có một ngoại lệ. Ba của Hoàng Anh – anh Nguyễn Vĩnh Thành chia sẻ: “Trời đất sinh ra bé như vậy, mình chỉ biết chấp nhận và đồng hành cùng con. Con thích cái gì thì mình đi đến cùng với con cái đó!”. Anh nói với giọng chân thành và bàn tay không ngừng xoa đầu cậu con trai. Cứ thế, ngoài quãng đường hàng ngày đi về từ trường Nguyễn Đình Chiểu, cha con anh lại một tuần hai buổi đèo nhau từ Gò Vấp lên Trung tâm Văn hóa – Thể thao quận Tân Bình theo học lớp cờ vua của thầy Lê Hiền Thục. Khi được hỏi, mất bao lâu từ nhà đến lớp học cờ vua, Hoàng Anh nhanh nhảu đáp: “Bình thường con đi mất 42 phút, kẹt xe thì lâu hơn một xíu”. Đáp lại sự ngạc nhiên của người đối diện, cậu bé mỉm cười nhỏ nhẹ: “Con thích đi học cờ lắm nên con đếm thời gian!”. Thế mới thấy, đứng trước đam mê, con người ta đều giống nhau ở tinh thần lạc quan và nghị lực vượt qua mọi rào cản.
Chia sẻ về cơ duyên cũng như quá trình giảng dạy cậu học trò đặc biệt, HLV Lê Hiền Thục chia sẻ: “Hoàng Anh được phát hiện thông qua một người đồng nghiệp đang công tác tại trường Nguyễn Đình Chiểu. Sau khi nhận thấy khả năng với cờ vua của Hoàng Anh, em được giới thiệu tới Trung tâm Văn hóa – Thể thao quận Tân Bình. Hiện giờ, chỉ có trung tâm mới đào tạo những bé bị khiếm khuyết. Thời gian đầu rất cực khi phải tạo điều kiện hòa nhập cho bé trước, luôn có một HLV dạy riêng cho bé, vì mắt bé không thấy rõ được nên phải cầm tay rờ từng quân cờ để bé quen hình dạng của chúng. Tư duy của bé là vô cùng tốt cho nên việc giảng dạy những thế cờ sau này khá dễ dàng”.
Quan sát quá trình học tập về cờ vua của Hoàng Anh, điều dễ nhận thấy là cậu bé không hề tự ti một chút nào. Hoàng Anh hòa đồng và vui vẻ với mọi người, luôn sẵn sàng đấu cờ với bất kì thành viên nào trong lớp. Nhìn bàn tay bé xíu dò dẫm từng ô cờ, phân biệt từng quân cờ rất nhanh nhẹn, rồi cũng trầm ngâm suy tính nước đi, thật sự Hoàng Anh đã trở thành một “cờ thủ” thực thụ. Trong quá trình đánh cờ, Hoàng Anh có những câu nói vu vơ nhưng thể hiện sự tự tin với những nước cờ vô cùng “chắc nịch”, không hề rụt rè hay sợ hãi, thậm chí bé có những nước cờ khôn ngoan, qua đó thể hiện tư duy và trí thông minh của Hoàng Anh. Đôi mắt của Hoàng Anh tuy không nhìn thấy nhưng lại thể hiện được một sức mạnh tinh thần vô cùng lớn, luôn tin tưởng vào những điều mình làm. Sau khi hoàn thành một ván cờ, huấn luyện viên luôn hỏi Hoàng Anh rằng: “Hoàng Anh thắng hay thua?” – “Thưa thầy, con thắng ạ!”, Hoàng Anh trả lời với giọng nói dứt khoát và một nụ cười thật tươi. Khi được hỏi về mục đích chơi cờ vua, Hoàng Anh chẳng chần chừ mà đáp ngay: “Con muốn được đi thi đấu với các bạn. Con thích được gặp nhiều bạn và chơi cờ thật vui!”. Vậy đó, cậu bé khiếm thị luôn lan tỏa tinh thần tích cực đến người đối diện, cậu bé chơi cờ để có được niềm vui nhưng chính hình ảnh của cậu cũng trở thành động lực để mỗi người dù có gặp bất cứ khó khăn nào cũng mạnh mẽ vượt qua.
Gần một năm làm quen với cờ vua là ngần ấy thời gian, cha mẹ Hoàng Anh nhận ra con trai mình thay đổi rõ rệt. Cậu bé khiếm thị Hoàng Anh đã chứng minh được rằng “không gì là không thể” và thể thao là phương tiện giúp con người xích lại gần nhau hơn, để từ đó làm nên những điều kỳ diệu trong cuộc sống.
Bài và ảnh: Phóng viên Trần Duy Dương (đài HTV)
Đăng ký học, tham gia và thi đấu Cờ Vua